QUYẾT TÂM VƯỢT QUA CÁM DỖ

26 thg 7, 2016

HỌC CÁCH THA THỨ ĐỂ BIẾT YÊU THƯƠNG

Người biết tha thứ là người biết nghĩ cho người khác, không vì cầu toàn mà hằn học, trách cứ, giận dữ khi người khác mắc sai lầm. Người cố chấp, thù dai, nhớ lâu là người luôn luôn nhìn cuộc sống dưới lăng kính màu hồng hoặc là người có cuộc sống đơn giản, ít trải nghiệm và bản thân người đó cũng cố chỉn chu, không để xảy ra sai lầm, do vậy không chấp nhận người khác sai lầm.

Ngày còn nhỏ, ta nhìn đời với đôi mắt “trong veo”, ta cho rằng đã là “thần tượng”, là sao, là nổi tiếng, là thầy cô giáo thì phải “trong sáng như pha lê”, không thể có chuyện sai lầm xảy ra. Lớn lên một chút, khi nhận ra những người nổi tiếng cũng có sai lầm, vấp váp, thì ta đau khổ, buồn bực, thất vọng chán chường, quay ra coi thường, khinh ghét thậm chí nguyền rủa những người đó. Ta không chấp nhận họ có sai lầm.

Lớn hơn nữa, mở rộng tầm mắt, bước vào cuộc đời cao rộng, phức tạp hơn, ta thấm thía dần rằng họ cũng là con người, cũng sống với tất cả những lo toan của cuộc sống, cũng phải ăn, phải thở. Họ cũng có lúc buồn chán, thất vọng và sai lầm. Ta đã trở thành người có lòng vị tha – tha thứ cho người khác.

Một người vợ trẻ, vừa lớn lên đã lấy chồng, chẳng có mối quan hệ khác giới nào ngoài chồng, nên nghĩ rằng đã yêu nhau thì không bao giờ tơ tưởng đến người khác. Phát hiện ra chồng có những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ” thì đau đớn, vật vã, tưởng chuyện xảy ra là động trời, không thể chấp nhận, chỉ có chia tay. Nhưng rồi cô vợ ấy đi làm, có các mối quan hệ xã hội rộng hơn, có người này người khác “tán tỉnh”, đôi lúc cũng thấy xao xuyến, không ít lần “xuýt nữa cũng quá đà”.

Nhìn xung quanh thấy ngay cả chị trưởng phòng, bác viện trưởng, cô phó bí thư chi bộ, anh kỹ sư, cô nhân viên đánh máy cũng có những hành vi hồ đồ một chút. Người vợ trẻ nhận ra rằng “lòng vả cũng như lòng sung”. Suy nghĩ thoáng hơn, đồng cảm với những người khác và với chồng mình nhiều hơn. Mỗi khi chồng, còn có lỗi, cô ấy cũng không đến mức “lành bành ra dữ”, “bé xé ra to”, mà đã cố gắng “to vo tròn cho nhỏ”, bởi đã biết tự nói với mình rằng “thánh nhân còn có khi lầm!”. Như vậy, lòng vị tha, sự tha thứ là kết quả của một hành trình sống và trải nghiệm.

Không học cách tha thứ, bạn sẽ là người khổ đầu tiên. Bạn mang trong lòng sự bực bội, tức giận, không thể sống thanh thản được. Sân hận, giận dữ là một trong ba thứ làm cho con người bất hạnh: tham (tham lam), sân (giận dữ, nóng nảy, bức tức), si ( ngu dốt).



Vậy học cách tha thứ thế nào đây?

Trước tiên hãy nhớ, tha thứ là một trong 3 điều mà người xưa dạy chúng ta phải biết quên: Quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên hận thù.

Tiếp theo, hãy tự vấn bản thân và trả lời chính xác, trung thực các câu hỏi sau: “Có ai không bao giờ sai lầm không?”, “Bản thân mình có bao giờ không có sai lầm không”, “rơi vào tình huống ấy, hoàn cảnh ấy, liệu mình có không mắc sai lầm không”, “trong sai lầm của người đó, có phần nào trách nhiệm của bản thân mình không”, “so với sai lầm, thì người đó có nhiều điểm tốt đẹp không?”…

Tiếp theo, hãy tập nghĩ: “Nếu không tha thứ thì mình làm gì?”, “trả thù hay giữ mãi mối thù này thì mình được điều gì?”, “chuyện đã xảy ra rồi, có giận, có tức thì có làm thay đổi tình hình không?”.

Đừng kiềm chế sự tức giận, tìm cách xả nó ra, nhưng cố gắng không làm tổn thương thêm bản thân và người khác. Tức thì cứ nói cho hả giận, bực thì kể lể với ai đó cho bõ tức. Nói xong, xả xong, nhẹ người thì cố quên đi.

Gặp lại người đã làm bạn tổn thương, nói cho bõ tức rồi tuyên bố tha thứ cho người đó còn hơn cố tình tránh mặt, không thèm gặp. Tránh né là không có thiện chí tha thứ.

Cuối cùng, hãy đi nhiều, hỏi nhiều, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, bạn sẽ nhìn đời bao dung hơn: Cứ nhịn đói 7 ngày, bạn sẽ không quá nguyền rủa đứa bé giật miếng ăn của bạn; Bạn cứ ăn nhạt sẽ biết thương mèo; Bạn cứ yêu rồi bạn sẽ không trách cô em gái ( em trai, con của bạn) sao lại “chết vì yêu” như thế.